Hai năm qua, Trần Văn T. – 18 tuổi ở Hà Nội thường xuyên đến Khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E để được tư vấn và trị liệu tâm lý. T. cho biết, trước đây em rất yêu thương, gần gũi với cụ nội. Tuy nhiên, sau khi cụ mất đi, em cảm thấy hụt hẫng và trở nên khó kiểm soát cảm xúc, hành vi, dễ có phản ứng thái quá với mọi người xung quanh. Khi nhận thấy con trai có biểu hiện bất thường, bố T. đã đưa em đi khám sức khỏe tâm thần và được các bác sĩ hướng dẫn các biện pháp can thiệp, điều trị. Đến nay, T. đã bình ổn về tâm lý và tiếp tục đi học bình thường. Tuy nhiên, em vẫn duy trì các buổi trị liệu tâm lý tại bệnh viện để được chia sẻ và giải tỏa những căng thẳng, bức xúc trong cuộc sống.
BS Nguyễn Viết Chung khám cho bệnh nhân gặp rối loạn về sức khỏe tâm thần
Nhưng không phải trường hợp nào cũng được phát hiện sớm như bệnh nhân Trần Văn T. Có những trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện ở giai đoạn khá muộn. Chị Lê Thu H – một bà mẹ có con mắc bệnh trầm cảm cho biết, từ hồi lớp 9, con gái chị thường ngồi lặng lẽ một mình, ít giao tiếp với các bạn. Con tự tạo ra áp lực cho bản thân, tự đặt ra mục tiêu phải đạt điểm thật cao trong kỳ thi vào trung học phổ thông. Tuy nhiên, khi đã thực hiện được ý nguyện, con vẫn tỏ ra không vui, không hứng thú với bất kỳ điều gì. Ban đầu, trước những biểu hiện bất thường của con, chị H. cứ nghĩ là do trái tính trái nết tuổi dậy thì, tuy nhiên, khi thấy con luôn cáu giận, bức xúc, chán nản và luôn cảm thấy mệt mỏi, đưa con đi khám, chị mới biết con mình đã mắc “tâm bệnh”.
Trường hợp của em T. và con gái chị H. không phải quá hiếm gặp tại các bệnh viện có chuyên khoa sức khỏe tâm thần.
Theo kết quả Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam do UNICEF Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tiến hành (công bố tháng 12/2023), khoảng 15-30% thanh thiếu niên ở Việt Nam gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Kết quả nêu bật một thực tế đáng lo ngại là rất nhiều trẻ em, trẻ vị thành niên và thanh niên đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần.
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe tâm thần Bệnh viện E, trong thực tế, con số này có thể còn lớn hơn.
“Tại một số quốc gia trên thế giới tỉ lệ thanh thiếu niên gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần còn cao hơn. Ví dụ, ở Úc là 50 - 60 %, ở Mỹ đến khoảng 70 - 80%. Theo tôi thấy, tại Việt Nam, tỉ lệ thanh thiếu niên có các rối loạn về sức khỏe tâm thần, cần được tư vấn, cần được hỗ trợ hay chẩn đoán và điều trị có thể cao hơn so với con số mà nghiên cứu của UNICEF và nghiên cứu của một số trường đại học đưa ra” - bác sĩ Nguyễn Viết Chung nói.
Rối loạn sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên: Nguyên nhân từ đâu?Nhiều người nghĩ thanh thiếu niên là độ tuổi sống vô tư, ít phải lo áp lực cơm áo gạo tiền như người trưởng thành. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Viết Chung cho rằng nhận thức như vậy là chưa hoàn toàn đúng và chưa công bằng với nhóm tuổi này.
“Người trưởng thành thì chịu rất nhiều áp lực trong cuộc sống. Tuy nhiên, người trưởng thành có lợi thế, đó là vốn sống, kinh nghiệm, là trải nghiệm sống cũng như sự phát triển một cách đầy đủ về mặt thể chất và tinh thần. Chính vì vậy, người trưởng thành thường có khả năng chống đỡ tốt hơn với những stress và căng thẳng hơn trong cuộc sống. Nhưng thanh thiếu niên là độ tuổi mà chưa phát triển một cách hoàn toàn về mặt thể chất. Ví dụ: có những nghiên cứu chỉ ra rằng não bộ ở những người 20 tuổi cũng chưa hoàn toàn đầy đủ chức năng. Do vậy nên những chức năng về kiểm soát cảm xúc, hành vi, tư duy trừu tượng hay là giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thì chưa hoàn toàn tốt được. Chính vì vậy nên dễ gây ra những trạng thái xung động về cảm xúc, về hành vi và có thể có những hành vi mất kiểm soát và đáng tiếc xảy ra. Ví dụ như những trường hợp tự sát hay là sử dụng chất kích thích, những trường hợp rơi trạng thái trầm cảm, lo âu trong cuộc sống...” - bác sĩ Nguyễn Viết Chung phân tích.
Do thiếu trải nghiệm sống, thiếu kiến thức nên thanh thiếu niên chưa có khả năng nhìn nhận và đánh giá các vấn đề một cách đúng đắn và bao quát. Một chuyện rất nhỏ trong cuộc sống nhưng các bạn trẻ có thể phóng đại lên và nhìn nhận nó một cách rất tiêu cực thay vì nhìn thấy những điều tích cực. Thiếu kỹ năng sống nên khi gặp những căng thẳng lo âu trong cuộc sống thì rất nhiều bạn trẻ cảm thấy bối rối, không biết làm gì để có thể giải quyết những vấn đề của bản thân. Bác sĩ Nguyễn Viết Chung cho rằng, đây là những đặc điểm dễ dẫn đến các rối loạn tâm thần ở tuổi vị thành niên mà các bậc cha mẹ, người lớn cần phải lưu tâm.
Một nguyên nhân dẫn nữa dẫn đến tỉ lệ thanh thiếu niên gặp các rối loạn sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng là sự mất kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Xã hội phát triển hiện đại, mọi người có thể dễ dàng giao lưu, trao đổi với nhau chỉ bằng một cuộc điện thoại. Tuy nhiên, có một nghịch lý là nhiều thanh thiếu niên đang cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
“Nhiều gia đình bố mẹ thì đi làm, con cái cũng đi học từ sáng sớm đến tối muộn, không còn thời gian để chia sẻ, tâm tình với nhau. Khi gặp những áp lực trong việc học hành, các bạn ấy không biết chia sẻ với ai, không thể nhận được sự tư vấn hay lời khuyên một cách kịp thời từ người lớn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho các bạn trẻ bị quá tải, kiệt sức và có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe tinh thần” - bác sĩ Nguyễn Viết Chung phân tích.
Cũng do nhận thức chưa đầy đủ mà nhiều thanh thiếu niên dễ tìm đến các chất gây nghiện như thuốc lá điện tử, hóng cười, cần sa, ma túy… Tất cả những chất gây nghiện này đều dẫn đến các rối loạn sức khỏe tâm thần và đây là một trong những lý do vì sao ngày càng nhiều người trẻ mắc hội chứng này.
“Các bệnh lý về sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở thanh thiếu niên là rối loạn lo âu, trầm cảm, nghiện chất, nghiện games, hoang tưởng, ảo giác, loạn thần. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề sức khỏe tinh thần ở tuổi vị thành niên đều có thể can thiệp và điều trị một cách hiệu quả. Chính vì vậy, rất cần sự quan tâm của gia đình, nhà trường và các nhà chuyên môn để phát hiện sớm và giúp trẻ mắc các rối loạn tâm thần được điều trị khỏi hoàn toàn” – BS Nguyễn Viết Chung nói.
Các vấn đề sức khỏe tâm thần xảy ra ở giai đoạn thanh thiếu niên, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng. Bệnh lý sẽ diễn tiến nặng hơn và có thể dẫn tới hành vi tự sát. Một số trường hợp khác, bệnh có thể trở thành mạn tính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, thành tựu học tập và tương lai của các em.
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Chung, vị thành niên là độ tuổi bắt đầu hình thành nên nhân cách, bản sắc, tài năng… góp phần định hướng công việc, sự nghiệp trong tương lai và có những đóng góp cho gia đình và xã hội. Ở độ tuổi này đáng ra thanh thiếu niên sẽ có sự phát triển tốt nhất thì những vấn đề sức khỏe tâm thần lại khiến cho các bạn không phát huy được tối đa những tố chất của mình và dần dần đánh mất đi khả năng, năng lực của bản thân. Nếu không được chữa trị, người bệnh sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội và gánh nặng cho cả ngành y tế.
Tuy nhiên, các vấn đề về rối loạn sức khỏe tâm thần trong cộng đồng nói chung và ở thanh thiếu niên hiện chưa được quan tâm đúng mức, chưa được phát hiện và can thiệp, điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Viết Chung đề xuất, để hạn chế nguy cơ thanh thiếu niên mắc các bệnh lý về sức khỏe tâm thần, điều đầu tiên và quan trọng nhất là sự quan tâm của gia đình.
“Tất cả mọi người cũng như các bậc cha mẹ nên thay đổi nhận thức, nên coi sức khỏe tâm thần cũng quan trọng như sức khỏe thể chất, luôn luôn cần sự chăm sóc về y tế hoặc là tư vấn để có một trạng thái tâm lý, tinh thần tốt hơn. Mỗi gia đình nên dành đủ thời gian cho con cái, quan tâm đến con và nên nhớ là mỗi hành vi của con đều tiềm ẩn một mong muốn sâu thẳm đối với cha mẹ. Điều mà tôi hay nói với các bậc phụ huynh đó là “Nhìn cây để sửa đất và nhìn con để sửa mình”. Chúng ta đừng vội chỉ trích mà chúng ta cần phải cố gắng hiểu các con để có thể tìm cách hỗ trợ tốt nhất cho con đang ở độ tuổi vị thành niên, giúp trẻ giải tỏa được những căng thẳng, bức xúc, những áp lực trong học hành và các mối quan hệ xã hội” – BS Nguyễn Viết Chung đưa ra lời khuyên.